Thị trường BĐS thở phào nhờ Thông tư 36
Thị trường bất động sản cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành thông tư 06/2016 nhằm sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 36 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệu lực ngày 1/7/2016 theo một cách khá “mềm mại” và lộ trình linh hoạt.

“Siết” một cách nhẹ nhàng
Theo nội dung cụ thể của Thông tư 06 vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 50% từ 1/1/2017 đến 31/12/2017 và xuống 40% từ 1/1/2018.
So với việc sẽ mạnh tay cắt giảm luôn từ mức 60% về 40% như trong dự thảo trước đó thì quyết định chính thức của NHNN khá nhẹ nhàng và linh hoạt, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trong diện điều chỉnh có thời gian để thích nghi.
Bênh cạnh đó, Thông tư 06 cũng xác định lộ trình đối với việc nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi trong kinh doanh bất động sản từ mức 150% lên 200% thay vì 250% như dự thảo lần trước; đồng thời, chỉ có hiệu lực từ 1/1/2017.
Gần như ngay lập tức, sự thay đổi của NHNN đã nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường bất động sản.
Theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, nếu giữ nguyên các nội dung như bản dự thảo Thông tư ban đầu và thời gian áp dụng ngay từ tháng 7/2016, thị trường sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn chả khác nào chiếc xe đang phóng tốc độ cao bị phanh gấp. Nay với quy định mới, các chủ thể tham gia thị trường sẽ có thời gian để chuẩn hóa lại hoạt động của mình thích ứng với những thay đổi. Thị trường sẽ giảm tốc song từ từ và không gây ra cảnh đổ vỡ dây chuyền.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu NHNN không lắng nghe những phản hồi từ thị trường mà vẫn giữ những nội dung như dự thảo ban đầu, dòng tiền vào thị trường có thể sẽ bị siết mạnh và cả thị trường bất động sản sẽ rơi vào thế dè chừng, thậm chí đóng băng. Còn với những nội dung khá mềm mại như trong thông tư 06, NHNN không chỉ giải tỏa tâm lý cho thị trường mà đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản tự điều chỉnh và thanh lọc để phát triển một cách bền vững hơn.
Hoạt động tín dụng bất động sản vẫn cần giám sát một cách chặt chẽ
Giám sát chặt chẽ dòng tín dụng
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, các NH đã mở rộng hầu bao với hầu hết các dự án BĐS. Đơn cử như VietinBank, BIDV tài trợ vốn cho các dự án của Tập đoàn FLC; Techcombank “đứng sau” Vingroup; MaritimeBank hỗ trợ các dự án của TNG… Tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, mối liên hệ giữa các nhà băng và khách hàng thậm chí còn chặt chẽ hơn. Bên cạnh tài trợ vốn cho các dự án và hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh cho người mua nhà, bản thân các nhà băng cũng tung ra hàng loạt chương trình nhằm thu hút người vay sử dụng cho việc sửa chữa nhà, kinh doanh nhỏ lẻ (thực chất là cho vay BĐS với hầu hết tài sản thế chấp là nhà đất). Ngoại trừ những thông tin tích cực đến từ lĩnh vực BĐS, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác đều khá khó khăn, bởi thế những nhận định cho rằng dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào BĐS không hẳn không có cơ sở.
Số liệu của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP cao hơn 4,8% so với cùng kỳ. Mặc dù trong cơ cấu cho vay của các NH, theo báo cáo, tín dụng BĐS chiếm tỷ lệ 8,6% trong tổng dư nợ, trên 60% đổ vào sản xuất kinh doanh, còn lại là cho vay tiêu dùng và chứng khoán. Song như đã đề cập, hầu hết cho vay có tài sản đảm bảo là nhà đất và NH hầu như ít kiểm tra sau giải ngân, bởi vậy sẽ có không ít hồ sơ vay vốn với mục đích kinh doanh, thực chất là đổ vào BĐS. Đây chính là lý do đẩy thanh khoản trên thị trường BĐS tăng vọt, và giá cả cũng tăng tốc chóng mặt.
Có lẽ rất hiểu thực tế trên nên cùng ngày với việc ban hành Thông tư 06/2016, NHNN cũng phát đi chỉ thị yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng (TCTD) có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Chỉ thị nhắc nhở các TCTD hướng tín dụng lĩnh vực BĐS vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ, tức là những dự án có mức giá phù hợp với nhu cầu chi trả của số đông người dân thay vì chạy đua theo phong trào các dự án cao cấp và rất dễ rơi vào cảnh tồn hàng, không bán được. Khi ấy, bóng ma nợ xấu sẽ trở lại.
(Theo KTĐT)
Các tin khác
- Dự báo thị trường bất động sản tại Bình Dương 2019
- Bình Dương vay gần 1.500 tỷ đồng ODA làm bus nhanh như Hà Nội
- Chính thức kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai và Bình Dương
- Thống nhất kéo dài hướng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên
- Thị trường BĐS thở phào nhờ Thông tư 36
- 4 Lý do người nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt Nam
- Giá bất động sản sẽ tăng 5 - 10% trong năm 2016
- Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- Bình Dương: Tiềm năng đã thành hiện thực
- Tp.HCM công bố hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k)